Hình thành Mũi_đất_nhọn

Dòng chảy dọc bờ thường là quá trình chủ yếu dẫn đến sự hình thành mũi đất nhọn.

Hiện người ta còn tranh cãi về cách thức hình thành nên các mũi đất nhọn.[2] Dù vậy, cách giải thích dựa vào dòng chảy dọc bờ là cách được công nhận rộng rãi nhất nhằm lý giải cho sự hình thành này.[1] Ở nơi mà dòng chảy dọc bờ diễn ra theo những hướng đối nghịch nhau thì hai mũi nhô sẽ hợp làm một mũi đất nhọn hình tam giác.[1] Sự hình thành này phụ thuộc vào hướng gió thịnh hành thổi theo các hướng nghịch nhau.[1] Mũi đất nhọn cũng hình thành khi sóng biển bị khúc xạ xung quanh một đê cát chắn.[3]

Mũi đất nhọn có thể hình thành cả ở bờ biển và bờ hồ. Những mũi đất hình thành dọc đường bờ biển có thể xuất hiện tại (1) mặt khuất gió của một hòn đảo ngoài khơi hoặc (2) tại đường bờ nơi mà không có hòn đảo nào gần đó hoặc (3) tại cửa sông nơi diễn ra quá trình bồi tụ.[4]

Hình thành tại các eo biển hẹp hoặc đường bờ mở

Một mũi đất nhọn có thể hình thành tại một eo biển hoặc dọc theo một đường bờ mà gần đó không có đảo hay bãi cát nào.[4] Trong trường hợp này, dòng chảy dọc bờ cũng như hướng gió và sóng biển chi phối sẽ mang trầm tích đến theo các hướng khác nhau.[2] Nếu góc hợp thành giữa sóng và đường bờ đủ lớn thì trầm tích sẽ hội lại một chỗ và tạo nên gờ bãi biển.[2][5] Qua thời gian, mũi đất nhọn thành hình do kết quả của tiến trình bồi tụ và lấn biển.[4] Một ví dụ về hiện tượng này là mũi đất nhọn tại Dungeness thuộc bờ biển miền nam nước Anh.[6] Mũi đất nhọn này hình thành do sự hợp nhất của các cơn sóng đến từ hướng tây nam của eo biển Manche và các cơn sóng đến từ hướng đông của eo biển Calais.

Trong các trường hợp khác, các mũi nhô hình thành khi dòng chảy dọc bờ mang vật chất đi dọc bãi biển cho đến khi gặp một địa điểm mà tại đó đường bờ biển đổi hướng đột ngột khiến vật chất bồi tụ thành mũi cát nhô ra biển. Trong tình huống này, gió thịnh hành và gió thứ cấp (đủ mạnh) theo hướng ngược nhau sẽ mang đá cuội đi dọc đường bờ để đến nơi mà tại đó đường bờ đổi hướng và tạo nên một mũi đất nhọn.[7] Đa số các mũi đất nhọn hình thành tại đường bờ thì vươn ra biển theo một góc đủ để cho phép các dòng chảy dọc bờ mang trầm tích đến bồi tụ cho mũi đất theo cả hai hướng ngược chiều nhau.

Hình thành ở nơi khuất gió của một hòn đảo

Mũi đất nhọn có thể hình thành tại một vị trí khuất gió đằng sau một hòn đảo. Trong trường hợp này, những con sóng đến bị khúc xạ xung quanh đảo, và khi đó đảo đóng vai trò bảo vệ đường bờ khỏi những diện sóng.[1] Trầm tích được vận chuyển dọc theo đường bờ thông qua các dòng chảy dọc bờ để rồi lắng đọng tại mặt khuất gió của hòn đảo - nơi có năng lượng sóng yếu hơn.[1] Một ví dụ về loại mũi đất nhọn này là mũi đất tại bờ biển phía tây đảo Bắc (New Zealand), ở mặt khuất gió của đảo Kapiti.[8] Sóng bị khúc xạ xung quanh đảo, từ đó tạo nên một vùng có năng lượng sóng thấp, cho phép trầm tích từ sông Waikanae tích tụ.[8] Tuy nhiên, người ta còn chưa chắc chắn rằng liệu có phải mũi đất nhọn này hình thành từ trầm tích do các dòng chảy dọc bờ đến từ phía bắc mang lại hay hình thành từ vòng tuần hoàn trầm tích phức tạp từ thềm lục địa ra đại dương rồi lại từ đại dương quay ngược lại bờ biển.[8]

Hình thành ở bờ hồ

Vị trí của mũi đất nhọn tại mũi Pelee trong phần hồ Erie thuộc Canada

Ngoài việc hình thành tại các bờ biển thì mũi đất nhọn còn có thể xuất hiện dọc theo các bờ hồ. Một số ví dụ về loại mũi đất nhọn này là mũi Pelee ở đường bờ của hồ Erie (Bắc Mỹ) và các mũi đất nhọn dọc bờ hồ Victoria ở Úc. Có hai giả thuyết về sự hình thành của mũi Pelee. Giả thuyết đầu tiên cho rằng mũi Pelee hình thành từ quá trình lắng đọng trầm tích. Giả thuyết thứ hai cho rằng mũi Pelee là phần còn lại của một đối tượng địa lý đã bị xói mòn theo thời gian.[9] Người ta quan sát thấy có vẻ như mũi Pelee đang dời dần về phía tây do diễn ra quá trình bồi tụ ở mạn tây trong khi xói mòn lại diễn ra ở mạn đông của mũi.[9] Hồ Victoria (thuộc hệ thống hồ Gippsland) ở Úc cũng có nhiều mũi đất nhọn. Mũi Scott là một mũi đất nhọn thuộc hồ này, hình thành do quá trình tích tụ cát và sỏi theo thời gian.[10]